Đau thần kinh tọa
- Đau dây thần kinh toạ là dây thần kinh dài nhất cơ thể, xuất phát từ cột sống thắt lưng đến tận ngón chân. Chia làm 2 nhánh trái và phải để điều khiển từng bên tương ứng. Thần kinh toạ có 3 chức năng chính: Chi phối vận động, cảm giác vfa nuôi dưỡng các bộ phận mà nó đi qua.
- Đau dây thần kinh toạ còn gọi là đau dây thần kinh hông to, biểu hiện bởi cảm giác đau dọc theo đường đi của dây thần kinh toạ.
2. Đối tượng thường gặp
Ở lứa tuổi trung niên và người già.
Hiện nay, bệnh có xu hướng trẻ hoá do đặc điểm nghề nghiệp ( lái xe, nhân viên văn phòng, thợ xây,..) và sinh hoạt ( Thừa cân béo phì, người loãng xương, vận đông sai tư thế,…). Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa Bỉm Sơn năm 2020, tỷ lệ đau dây thần kinh toạ chiếm đa số các bệnh nhân điều trị tại khoa.
3. Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau dây thần kinh toạ nhưng chủ yếu vẫn là do tổn thương tại cột sống thắt lưng, thường gặp như: Thoát vị đĩa đệm, thoái hoá cột sống thắt lưng, trượt cột sống, viêm cột sống,….
4. Triệu chứng
- Đau tự nhiên: Đau thường dọc theo đường đi của dây thần kinh toạ, cũng có thể đau từng vùng như thắt lưng, đùi, cẳng chân, bàn chân. Đau thường liên tục đôi khi có những cơn bộc phát. Cường độ đau rất thay đổi từ âm ỉ cho tới đau dữ dội không chịu được.
- Đau khi khám: Điểm đau xuất hiện khi Bác sỹ ấn ở cột sống thắt lưng, ở mông, mặt sau đùi, khoeo chân,…
- Vận động: Không đi bằng ngón chân hoặc không đi được bằng gót. Khi đi cẳng chân bên đau hơi co lại.
- Có thể có triệu chứng yếu cơ. Giai đoạn muộn có teo cơ tứ đầu đùi, hạn chế vận động, cơ cứng cơ cạnh cột sống.
5. Biến chứng
- Rối loạn vận động chi dưới gây hạn chế vận động 1 phần hoặc liệt hoàn toàn chi dưới.
- Rối loạn cảm giác chi dưới.
- Rối loạn cơ tròn ( đại tiểu tiện không tự chủ)
- Mất đường cong sinh lý của cột sống, hạn chế động tác quay cúi ngửa,..
- Thay đổi về tâm lý.
6. Phương pháp điều trị
Đau thần kinh toạ trong YHCT có tên là: “ Yêu cước thống”, “ Toạ cốt phong”, thuộc phạm vi chứng Tý.
Nguyên nhân thường là do Lục dâm cụ thể là Phong Hàn Thấp xâm nhập vào cơ thể gây khí huyết bị ứ trệ dây đau, co rút cơ, tê bì, vận động khó khăn, nên người bệnh sẽ cảm thấy đau tăng khi thay đổi thời tiết, trời lạnh, mưa nhiều; đau nhiều về đêm hoặc sáng sớm. Ngoài ra, tuổi cao can thận hư, phong hàn thấp thừa cơ xâm phạm làm kinh lạc bế tắc, khí huyết không lưu thông nên đau thần kinh toạ thường gặp ở những người trung niên, người cao tuổi. Bên cạnh đó, Phong Hàn Thấp lưu giữ trong cơ thể lâu ngày hoá nhiệt làm người bệnh có triệu chứng nóng rát nơi đau.
Đau thần kinh toạ trong YHCT được chia làm nhiều thể khác nhau, với mỗi thể lâm sàng, tuỳ tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc sẽ có những phác đồ, phương pháp điều trị khác nhau. Hiện tại Bệnh viện Đa khoa Bỉm Sơn đang sử dụng các phương pháp Điện mãng châm , Thuỷ châm, thuốc YHCT, xoa bóp bấm huyệt kết hợp với các phương pháp trị liệu Y học hiện đại để mang đến hiệu quả tốt nhất cho người bệnh.
7. Phòng bệnh và chế độ dinh dưỡng.
- Giữ tư thế cột sống thẳng đứng khi ngồi lâu, đứng lâu, có thể mang đai lưng hỗ trợ .
- Tránh bị nhiễm lạnh, ẩm thấp kéo dài.
- Tránh các động tác đột ngột, sai tư thế, mang vác nặng.
- Luyện tập bơi lội hoặc yoga để tăng sức bền của khối cơ lưng.
- Ăn tăng cường rau xanh, hạn chế ăn các đồ dầu mỡ, chế biến sẵn như xúc xích, patê,…
- Hạn chế ăn nội tạng động vật, thay vào đó bằng các loại hạt: đậu, lạc,..
__________________
Để được định hướng điều trị an toàn, hiệu quả, quý bệnh nhân có thể liên hệ với khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng của Bệnh viện đa khoa Bỉm Sơn để được các bác sĩ chỉ định điều trị cụ thể cho từng trường hợp.
Địa chỉ liên hệ:
Bệnh viện ĐK Bỉm Sơn , số 595 Trần Phú , phường Lam Sơn, Thị xã Bỉm Sơn.